Bên cạnh những biện pháp tránh thai phổ biến như dùng bao cao su hay thuốc tránh thai, Quickstick xin giới thiệu đến bạn một số biện pháp tránh thai ngoài ý muốn sau đây nhé:
1. Miếng dán
Miếng dán tránh thai là một miếng dán có diện tích nhỏ, bao gồm 2 loại hormone estrogen và progesterone, phóng thích hoạt chất qua da vào máu, có tác dụng ngừa thai trong vòng 1 tuần. Miếng dán giải phóng một lượng hormone vào máu thông qua da, từ đó ngăn chặn sự rụng trứng hàng tháng ở người phụ nữ. Miếng dán tránh thai còn làm tăng chất nhầy ở tử cung, làm mỏng niêm mạc tử cung khiến cho tinh trùng khó tiếp cận trứng và thụ thai.
Miếng dán được dán vào một vị trí kín đáo trên cơ thể như phần mặt trong cánh tay, mặt trong đùi, bụng dưới, trên vai, sau lưng hoặc mông (không dán lên ngực). Sử dụng miếng dán đầu tiên vào ngày đầu tiên của kỳ kinh, sau đó mỗi tuần thay miếng dán một lần, liên tục trong 3 tuần. Sau 3 tuần sử dụng, ngưng dán 1 tuần và sẽ có kinh nguyệt trong tuần đó.
Tuy nhiên, cũng như bất kì biện pháp tránh thai nào, miếng dán tránh thai cũng có những tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ được cảnh báo liên quan đến biện pháp tránh thai này là: căng ngực, nhức nửa đầu, buồn nôn, tăng cân nhẹ...
2. Que cấy
Phương pháp tránh thai hiệu quả nhất có thể kể đến là que cấy tránh thai. Phương pháp này được cho là có hiệu quả tuyệt đối được cấy dưới da tay không thuận của người phụ nữ. Sau khi cấy, que sẽ phát huy tác dụng sau 24 tiếng và có hiệu quả trong 3 năm. Trong que cấy có chứa nội tiết tố nên khoảng thời gian được cấy que không cần sử dụng đến bất kỳ biện pháp tránh thai nào khác.
Tác dụng phụ của phương pháp này được ghi nhận là có khoảng 12% trường hợp bị vô kinh, 24% rong kinh, hơn 3% trường hợp sử dụng que cấy tránh thai cảm thấy đau đầu, khoảng 4% bị mụn trứng cá... Ngoài ra, còn có những phản ứng phụ khác như tăng cân nhẹ, căng tức ngực, cảm giác khô âm đạo.
Bất cứ lúc nào muốn có thai người phụ nữ ngưng sử dụng là có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên, nên ngưng áp dụng biện pháp tránh thai này từ 3 tháng trở lên trước khi mang thai để cơ thể trở về trạng thái ổn định.
3. Thuốc tiêm
Thuốc tiêm tránh thai hiện nay khá thông dụng ở nước ta, là loại nội tiết chỉ có progestin (không có thành phần oestrogen như viên thuốc uống tránh thai kết hợp), có tên gọi depoprovera. Mỗi mũi tiêm bắp có tác dụng tránh thai trong vòng 3 tháng. Thuốc có hiệu quả tránh thai cao, rất tiện cho phụ nữ không có điều kiện uống viên tránh thai hằng ngày. Hiệu quả của thuốc trong số người sử dụng có thể đến 97%, có nghĩa rằng 100 phụ nữ dùng thuốc trong một năm thì có 3 người bị mang bầu.
Khi dùng thuốc tiêm tránh thai, chu kỳ kinh nguyệt có thể bị thay đổi như kinh không đều, hoặc hoàn toàn không thấy kinh. Sự cố này không có hại và kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường sau khi ngừng thuốc. Sự hồi phục kinh nguyệt bình thường sau khi ngừng thuốc có thể chậm, đôi khi vài tháng sau mới thấy có kinh trở lại, do đó khả năng sinh sản cũng bị chậm theo.
4. Phim ngừa thai
Phim ngừa thai (còn gọi là VCF - Vaginal Contraceptive Film) là một tấm phim có kích thước khoảng 1cm, có tác dụng ngừa thai trong vòng 3 giờ sau khi đặt. Khả năng thành công gần 100%.
Cách đặt: Rửa sạch và lau khô tay, đặt miếng phim lên đầu ngón tay giữa và đưa vào âm đạo càng sâu càng tốt. Sau khi đưa vào âm đạo, miếng phim sẽ tan ra nhanh chóng, làm đúng nhiệm vụ và theo các chất thải ra khỏi âm đạo.